TRƯỜNG THCS TIỀN PHONG – VĨNH PHONG
60 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
I. GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TRƯỚC NĂM 1959.
Xã Tiền Phong nằm ở phía Tây Nam huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, cách trung tâm huyện 10 km. Phía Đông giáp xã Cộng Hiền, phía Đông Bắc giáp xã Thanh Lương, phía Nam giáp xã Vĩnh Phong, phía Tây Bắc giáp xã Đồng Minh, phía Tây Nam giáp Sông Hóa. Đến nay xã có 8 thôn: Vĩnh Lạc1, Vĩnh Lạc 2, An Lạc1, An Lạc 2, Linh Đông 1, Linh Đông 2, Linh Đông 3, Linh Đông 4. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, dân cư ngày càng đông. Từ thủa khai sinh lập địa các thế hệ người dân Tiền Phong đã phải đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, cải tạo vùng đất sình lầy, chua mặn thành những cánh đồng màu mỡ tốt tươi như ngày hôm nay. Tuy nghèo khó nhưng người dân nơi đây đã chú tâm đến việc học hành từ rất sớm, tạo dựng truyền thống hiếu học cho mảnh đất quê nhà.
Thưở trước, bọn cai trị thuộc địa thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị nên việc mở trường dạy học rất hạn chế. Trong xã, một số người có trình độ chữ Hán cao mở lớp tư thục dạy chữ Hán cho con em trong xã nhưng chỉ có con em nhà chức sắc, nhà khá giả mới được đến lớp.
Tháng 9 năm 1945, sau khi giành chính quyền, Chính phủ lâm thời Việt Nam đã thực hiện 3 nhiệm vụ cấp bách: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và giặc ngoại xâm". Các lớp nha bình dân học vụ được thành lập không kể các lứa tuổi gái trai đều tham gia học ở mọi lúc, mọi nơi nhằm xóa mù chữ cho 95% dân số sau gần 100 năm bị đô hộ.
Tháng 5 năm 1950 địch đóng đồn Hội Am, chúng liên tục càn quét, xây dựng đồn bốt. Sau những năm sống trong ách kìm kẹp của địch, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân đứng lên phá tề. Năm 1954 kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Ngoài nhiệm vụ sản xuất, nhiệm vụ phát triển giáo dục cũng được quan tâm. Thực hiện chủ trương của thường vụ huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện về việc phát triển thêm một số trường cấp 2 của một số xã trong huyện, trong đó có việc thành lập trường cấp 2 của cụm các xã phía Tây Nam của huyện là Tiền Phong, Vĩnh Phong, Thanh Lương, Đồng Minh, Cộng Hiền. Với địa thế trung tâm và cũng là mảnh đất có truyền thống hiếu học, tháng 9 năm 1959 trường Cấp 2 Tiền Phong được thành lập, là ngôi trường được xây dựng sớm trong huyện thu hút hầu hết các con em trong xã và các xã lân cận: Vĩnh Phong, Thanh Lương, Đồng Minh, Cộng Hiền.
II. THỜI KÌ TỪ 1959 - 1968
Năm học đầu tiên: Lúc này trường chỉ có 1 lớp 5, giáo viên là thầy giáo Mai Xuân Đài, quê thôn Nhân Mục – Nhân Hòa vừa là hiệu trưởng, vừa là giáo viên trực tiếp giảng dạy con em của 5 xã Tiền Phong, Vĩnh Phong, Thanh Lương, Đồng Minh, Cộng Hiền. Do trường chưa có phòng học nên lớp học được đặt nhờ vào nhà tổ Cảnh Đông. Nhiệm vụ trước mắt của nhà trường lúc này là phải xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Vì vậy năm 1960, Ủy ban đã thành lập ban bảo trợ xây dựng sở cơ trường học do đồng chí Nguyễn Văn Khiều làm trưởng ban. Trong năm học này, được sự quan tâm của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Tiền Phong, sự ủng hộ tích cực của nhân dân địa phương, phụ huynh học sinh, thầy và trò dựng được một phòng học cấp 2 làm bằng tường đất mái tranh. Phòng học xung quanh là tường đắp đất, giữa là hàng song còn phía trên là trát vách bằng bùn trộn rơm, mái nhà lợp rạ, bục giảng đắp đất.
Đến năm học1960-1961 trường có 3 giáo viên, đó là thầy Hải, thầy Lại, thầy Vũng. Các thầy cô giáo vẫn ở trọ nhà dân. Hàng tháng các thầy đong gạo theo chế độ (13,5 kg) gửi gia đình lo việc cơm nước với tinh thần có sao ăn vậy thiếu, đủ nhờ các gia đình bù phụ với tình cảm như người thân. Tuy khó khăn nhưng với lòng nhiệt tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm nên nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 95%.
Năm học 1961 - 1962 trường có 5 lớp: 1 lớp 6, 3 lớp 5, và một lớp phổ thông công nghiệp, thầy Mai Quang làm hiệu trưởng, các thầy Hải, thầy Thưởng, thầy Lại, thầy Kình. . làm giáo viên. Trường được làm thêm phòng cho giáo viên.
Năm học 1962 - 1963 trường có cả 3 khối 5, 6, 7 với 10 lớp đặc biệt trong đó lớp 5 có 7 lớp. Các thầy Khuê, thầy Phú, cô Bảy, thầy Hựu, Thầy Kế, thầy Lại, thầy Đảm, thầy Vũng, thầy Cảnh, thầy Trinh…. làm giáo viên. Trong năm học này thầy Mai Quang và một số thầy cô chuyển đi. Thầy Phạm Quang Trinh làm hiệu trưởng, thầy Cập làm hiệu phó.
Năm học 1963 – 1964 sĩ số học sinh ngày một tăng, trường cấp 2 Đồng Minh và Vinh Quang được thành lập, một số học sinh ở Đồng Minh về trường cấp 2 Đồng Minh, học sinh ở Thanh Lương đa số chuyển về Vinh Quang còn lại một số ít ở Tiền Phong. Như vậy trường Cấp 2 Tiền Phong còn lại học sinh ở các xã Tiền Phong, Cộng Hiền, Vĩnh Phong và một ít ở Thanh Lương, hiệu trưởng là thầy Lê Đắc Lự. Tháng 6 năm 1963 được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã Tiền Phong, sự ủng hộ tích cực của phụ huynh học sinh nhà trường đã xây thêm 4 phòng học lợp ngói, các thầy cô lúc này không ở nhà dân mà ra ở nhà tập thể.
Tháng 2/1965 không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc. Miền Bắc phải chuyển từ thời bình sang thời chiến, bom đạn ngày càng ác liệt, các thầy cô, các em học sinh phải sơ tán học trong hầm kèo chữ A và đào hố cá nhân để tránh bom. Cũng trong năm học này nhà trường có nhiều thầy cô giáo mới chuyển về như cô Viên, cô Phiền, thầy Bang, thầy Phú, thầy Huy, thầy Hoan, cô Nhung, cô Oanh, thầy Tí...
Năm học 1964 – 1965 thầy Lê Đắc Lự chuyển đi, thầy Lê Huy Thư về làm hiệu trưởng (1964 - 1965) rồi thầy Vũ Như Xây (1965 – 1966) làm hiệu trưởng cùng với Ban giám hiệu chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động dạy và học của nhà trường.
Cũng trong thời gian này, để nâng cao chất lượng dạy và học nhà trường đã kết nghĩa với trường Cấp 2 xã Thụy Ninh ở bên kia sông Hóa, hai trường chỉ cách nhau một con đò thôn Vân. Hai nhà trường đã tổ chức những buổi dự giờ, thăm lớp để học hỏi về phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Ngoài ra hai nhà trường còn tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao để mở rộng mối quan hệ giữa thầy và trò của hai trường nhằm thúc đẩy chất lượng nhà trường trong những năm đầu mới xây dựng.
Để tu bổ về cơ sở vật chất cho nhà trường cũng trong thời kỳ này chính quyền địa phương cũng như nhân dân đã dỡ đình chùa lấy vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng trong đó có trường học.Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự quyết tâm của thầy và trò nên chất lượng nhà trường vẫn được giữ vững, kết thúc năm học 1966 - 1967 nhà trường đạt kết quả rất cao, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp lớp 7 là 100%. Các em HS lớp 7 ngày ấy rất ít có điều kiện học tiếp lên cấp 3, số học sinh ở tuổi 17, 18 chiếm 30%, các em đều tự nguyện gia nhập quân đội thanh niên xung phong và đi vào các công trường, xí nghiệp để phục vụ đất nước trên mọi miền Tổ quốc. Nhiều học sinh trưởng thành trở thành nhà giáo, sĩ quan quân đội và cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt đến năm học 1967 - 1968 nhà trường có sự thay đổi lớn đó là trường Cấp 2 Thanh Lương, Cộng Hiền, Vĩnh Phong được thành lập, học sinh các xã Thanh Lương, Cộng Hiền, Vĩnh Phong về học tại trường cấp 2 xã nhà. Lúc này trường chỉ còn lại học sinh của xã Tiền Phong. Thầy Đào Nguyên Hiếu làm hiệu trưởng nhà trường.
III. THỜI KÌ TỪ 1968 - 1976
Đây là giai đoạn nhà trường cùng với giáo dục cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn. Ta vừa phải dốc sức cho chiến trường miền Nam, lại vừa phải chống đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc. Các em học sinh đi học phải đội mũ rơm để tránh bom bi của giặc. Xung quanh lớp học đều có hầm, hố trú ẩn cho thầy và trò mỗi khi có máy bay địch đến đánh phá. Có những buổi học bị ngắt quãng vì phải cho học sinh trú ẩn khi có máy bay địch quần lượn trên bầu trời. Nhiều tiết học phải bỏ dở, không có thời gian học bù. Nhà trường phải chia nhau ra học ở các nhà dân. Tối đến các thầy cô phải phân công nhau đến các tổ học tập ở từng thôn xóm hướng dẫn học sinh học tập.
Lúc này trường chỉ có 5 phòng học lợp ngói, quay hướng Đông Bắc nhìn ra sân trường, cũng là hướng ra cổng chính. Từ cổng vào phía tay phải là dãy nhà ở quay hướng Đông Nam, là nơi ở sinh hoạt và làm việc của các thầy cô giáo ở xa. Khu vực nhà giáo viên ban đầu lợp rạ, sau được lợp bằng ngói móc, có cổng phụ đi vào sân, ngăn cách với sân trường bằng hàng dâm bụt, tuy nhiên sân vẫn là sân đất nên rất lầy lội vào mùa mưa. Các phương tiện dạy học đều thiếu thốn trăm bề. Hơn nữa với kinh tế khó khăn, nhận thức về giáo dục chưa cao, nhiều gia đình không cho con em mình học cấp hai. Có thể nói khó khăn chồng chất khó khăn nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, quyết tâm với sự nghiệp giáo dục các thầy cô giáo dưới sự lãnh đạo của thầy hiệu trưởng Vũ Quang Chu, các thầy cô giáo đã từng bước dẫn dắt học sinh Cấp 2 Tiền Phong chiếm lĩnh tri thức, nâng cao dân trí đưa sự nghiệp trồng người ở xã Tiền Phong từng bước phát triển.
Từ năm1973 - 1976 được sự quan tâm của Đảng ủy, và UBND xã với quyết tâm của hội đồng nhà trường, trường được xây dựng thêm 3 phòng học quay hướng Đông Nam tiếp giáp với nhà ăn của giáo viên. Lúc này thầy Nguyễn Ngọc Quang được điều về làm hiệu trưởng nhà trường, Thầy Tô Ngọc Riệp làm hiệu phó. Đội ngũ giáo viên nhà trường được bổ sung thêm như cô Độ, cô Khiếu, thầy Thái, cô Xuyên, cô Tuyên, cô Kền, Thầy Tùng, cô Chính, cô The, thầy Vũng, cô Hiển, cô Vân, cô Hân, Thầy Hiện… Nhìn lại những năm qua mặc dù cơ sở vật chất nghèo nàn phương tiện giảng dạy quá thiếu thốn, tình hình chiến tranh ác liệt. Nhưng do truyền thống hiếu học của học sinh cộng với sự nhiệt tình say sưa của thầy cô giáo. Học sinh Tiền Phong khi rời ghế nhà trường vẫn phát huy được phẩm chất tốt đẹp của những người con địa phương. Đặc biệt hơn, trong cuộc đấu tranh chống Mỹ nhiều học sinh Tiền Phong khi đang học đã xung phong vào bộ đội hiến dâng tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ oanh liệt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn xã có 461 người con vào bộ đội, 141 người đã hi sinh góp máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Mùa xuân 1975 chính quyền Sài Gòn sụp đổ, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Đất nước ta bắt đầu hàn gắn vết thương chiến tranh. Bắt đầu từ đây, thầy trò trường Cấp 2 Tiền Phong bước vào giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển nhà trường một cách ổn định tạo điều kiện cho việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
IV. THỜI KÌ TỪ 1976 - 1995
Đây là thời kì Miền Nam vừa mới giải phóng, đất nước mới được thống nhất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân địa phương cũng như nhà trường nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi ý chí, nghị lực, niềm tin lớn của cả thầy và trò. Giờ đây nhà trường phải vượt qua những thử thách mới.
Năm học 1976 - 1977 theo chủ trương chung của ngành, hai trường cấp 1 và cấp 2 Tiền Phong được sát nhập, lúc này trường được đổi tên là trường Phổ thông cơ sở Tiền Phong do thầy Nguyễn Ngọc Quang làm hiệu trưởng, cô Yểng, thầy Lai làm hiệu phó phụ trách cấp 1, thầy Huê, cô Rỉu, cô Dung làm hiệu phó phụ trách cấp 2. Tuy nhiên học sinh vẫn học ở hai điểm trưởng. Phân hiệu cấp 1 học tại trường Đồng Khuýa (thuộc địa bàn thôn An Lạc 1 hiện nay) gồm có 5 phòng học cấp 4, 1 phòng hội đồng được lợp ngói. Phân hiệu cấp 2 học tại điểm trường cấp 2 (thuộc địa bàn thôn Linh Đông 2) gồm 3 dãy nhà cấp 4 lợp ngói, với 8 phòng học, 1 phòng thí nghiệm, 1 phòng thư viện, 1 phòng hội đồng cùng dãy nhà tập thể dành cho giáo viên ở. Với tổng số gần 20 lớp và hơn 400 học sinh mỗi năm, đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải cụ thể sâu sát hơn. Vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của chi bộ, Ban giám hiệu và toàn thể giáo viên nặng nề hơn. Dù trong hoàn cảnh còn khó khăn nhưng trường Phổ thông cơ sở Tiền phong có đội ngũ giáo viên rất tâm huyết, tận tụy thực sự là tấm gương để học sinh noi the nên hàng năm nhà trường đều đạt danh hiệu tiên tiến, công đoàn 4 tốt, các tổ tự nhiên, xã hội, tổ 3, 4 đều là tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa.
Năm 1986 Thầy Nguyễn Ngọc Quang nghỉ hưu, cô Bùi Thị Rỉu được bổ nhiệm làm hiệu trưởng nhà trường tiếp tục lãnh đạo nhà trường phát triển
Có thể nói giai đoạn 1976 - 1995 là giai đoạn đời sống nhân dân nói chung và đời sống của các thầy cô giáo nói riêng là khó khăn nhất. Yêu cầu giáo dục lại cao, thi tuyển nghiêm túc, ngặt nghèo nhưng các thầy cô vẫn hy sinh sức lực, thời gian, trí tuệ để dạy các em. Thực hiện “Tất cả vì học sinh thân yêu” coi học sinh như con, mục đích chính là dạy cho các em thành người có ích để phục vụ đất nước. Trong giai đoạn này sự nghiệp giáo dục của Tiền Phong là sự chuyển giao giữa thời kỳ bao cấp sang cơ chế thị trường cực kỳ khó khăn và đầy thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và sự chăm lo của toàn dân, chi bộ, ban giám hiệu nhà trường cùng tập thể giáo viên, các em học sinh nhà trường vẫn luôn giữ vững được thành tích đáng khích lệ.
V. THỜI KÌ TỪ 1995 - 1998
Năm học 1995 – 1996 để phù hợp với nhiệm vụ chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, ngành giáo dục đã chia tách trường PTCS Tiền Phong thành trường Tiểu học và trường THCS nhằm đào tạo học sinh theo đúng yêu cầu phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng trong năm học này theo sự chỉ đạo của UBND huyện Vĩnh Bảo hai trường THCS Tiền Phong và THCSVĩnh Phong được sát nhập, lúc này trường mang tên: THCS liên xã Tiền Phong – Vĩnh Phong.
Tuy nhiên học sinh trong 2 xã, vẫn học ở hai điểm trường. Phân hiệu 1 học sinh học tại điểm trường cấp 2 xã Tiền Phong, Phân hiệu 2 học sinh học tại học tại điểm trường tiểu học xã Vĩnh Phong. Bộ máy quản lí của nhà trường do cô giáo Bùi Thị Rỉu làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phân hiệu Tiền Phong là thầy giáo Bùi Đức Toán, phó hiệu trưởng phân hiệu Vĩnh Phong là cô giáo Vũ Thị Nhị. Hội đồng nhà trường với lực lượng khá đông khoảng trên 40 cán bộ giáo viên, công nhân viên. Quy mô giáo dục ổn định và phát triển. Giai đoạn này nhà trường có tất cả 20 lớp. Trong đó phân hiệu Tiền Phong là 12 lớp, phân hiệu Vĩnh Phong là 8 lớp. Với sĩ số là trên 500 học sinh. Tuy chưa được cấp trên đầu tư những trang thiết bị dạy học hiện đại nhưng học sinh hai phân hiệu vẫn có đầy đủ phòng học, phòng hội đồng cho giáo viên. Phân hiệu Tiền Phong có 14 phòng học cấp 4, phân hiệu Vĩnh Phong có 8 phòng học cấp 4. Công tác dạy và học của nhà trường vẫn được các thầy cô nhiệt tình, tâm huyết. Tiêu biểu là các thầy cô: cô Khiếu, cô Cứu, cô Dung, thầy Văn, cô Hiền, cô Xuyên… Phong trào thi đua 2 tốt luôn được thầy trò phát huy và giữ vững. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và thi vào cấp 3 luôn cao hơn các trường trong cụm.
VI. THỜI KÌ TỪ 1998 - 2014
Trong thời kỳ này trường tiếp tục có sự thay đổi trường Cấp 2 Vĩnh Phong được tách ra thành trường mới, lúc này trường chỉ còn học sinh là con em xã Tiền Phong, trường được đổi tên thành trường THCS Tiền Phong. Tuy nhiên quy mô trường lớp vẫn được giữ vững. Từ năm 1998 - 2000 trường có 12 lớp với hơn 400 học sinh và 23 cán bộ công nhân viên, hiệu trưởng là thầy Vũ Văn Sùng, phó hiệu trưởng là cô Dương Thị Hướng. Cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn, lạc hậu, trường chỉ là dãy nhà cấp 4 bao gồm cả phòng học, khu văn phòng, nhà bếp và khu nhà dành cho giáo viên ở xa. Năm học 2000 - 2001 được sự động viên và tạo điều kiện của thành phố, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cùng với nhân dân trong xã, trường được xây thêm dãy nhà chính hai tầng với 8 phòng học kiên cố. Sĩ số tăng dần từ 480 lên tới 537 học sinh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, năm 2002 trường xây thêm ba phòng làm việc kiên cố hướng Đông lợp mái tôn chống nắng. Cơ sở vật chất được đầu tư, cán bộ, giáo viên quyết tâm giữ vững quy mô phát triển của nhà trường. Năm học 2003 - 2004 sĩ số lớp tăng lên thành 15 lớp với 544 học sinh. Tuy nhiên lúc này, nhà trường gặp nhiều khó khăn, một số giáo viên do điều kiện nhà xa đã chuyển trường như Cô Xuyến, Thầy Huy, Cô Nguyệt, cô Liên… Các thầy cô dạy tổng số tiết trên tuần cao, đến năm học 2004 - 2005 một số thầy cô lại nghỉ hưu, số học sinh tăng lên đây là thử thách vô cùng lớn đối với cán bộ giáo viên trong trường.
Năm học 2005 - 2006 thầy Vũ Văn Sùng nghỉ hưu, cô Dương Thị Hướng gánh trên vai trọng trách hiệu trưởng nhà trường và thầy Bùi Đức Tuyên là phó hiệu trưởng, trường có 13 lớp với 503 học sinh, cán bộ giáo viên công nhân viên dần đi vào ổn định. Đội ngũ giáo viên trẻ nhiệt tình, giỏi chuyên môn nghiệp vụ say sưa với nghề. Tuy cơ sở vật chất chưa đáp ứng cao cho việc dạy học đặc biệt vẫn còn dãy nhà cấp 4 không sử dụng được nữa, nhưng nhà trường vẫn tiếp tục duy trì và giữ vững được chất lượng dạy và học.
Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2008 trường đã tiếp nhận thêm một số thầy cô ở các phân môn khác nhau như Cô Oanh, cô Nguyễn Hướng, cô Ngàn… Để duy trì chất lượng giáo dục, trường phải hợp đồng thêm một số thầy cô khác như cô Huệ Cô Dương… Trước sự phát triển không ngừng của khoa học cũng như sự chuyển mình của toàn nghành giáo dục, trường THCSTiền Phong đứng trước thử thách lớn với mục tiêu đặt ra là đạt trường chuẩn Quốc gia và kiểm định chất lượng giai đoạn 1 dự kiến vào năm 2011. Bằng sự nỗ lực BGH nhà trường đã tham mưu và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục cũng như sự đầu tư từ thành phố. Năm 2009 trường khởi công xây dựng thêm dãy nhà hai tầng bao gồm các phòng học chức năng, thực hành, nghe nhìn, phòng truyền thống...
Năm học 2010 - 2011, 2011 - 2012 đây là những năm học có nhiều biến đổi khẳng định chất lượng giáo dục của nhà trường. Để chuẩn bị đón bằng trường chuẩn Quốc gia và kiểm định chất lượng, Ban giám hiệu nhà trường tham mưu với địa phương xây dựng hoàn thiện khuôn viên nhà trường theo hướng chuẩn quốc gia,mua sắm trang thiết bị phòng học, trang trí lớp đạt chuẩn, xây dựng thư viện, có quy hoạch trồng cây khu sân vui chơi, khu để xe giáo viên và học sinh. Với sự nỗ lực thầy trò trường THCS Tiền Phong vinh dự đón bằng trường chuẩn Quốc gia vào ngày 9/5/2011 và đạt kiểm định chất lượng giai đoạn 1vào ngày 15/5/2012. Đây là niềm vui là kết quả của sự cố gắng không ngừng nghỉ của cán bộ, giáo viên cũng như sự quyết đoán, năng động của ban giám hiệu nhà trường.
Năm học 2011 - 2012 BGH nhà trường có sự thay đổi thầy Bùi Đức Tuyên chuyển xuống trường THCS Vĩnh Phong, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai lên làm phó hiệu trưởng nhà trường. Để đáp ứng với sự phát triển của xã hội cũng như yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục thầy trò trong trường ra sức thi đua dạy tốt, học tốt tiếp tục khẳng định vị thế xứng đáng với trường đạt chuẩn Quốc gia và kiểm định chất lượng, trường đã trở thành một địa chỉ giáo dục đáng tin cậy của huyện nhà.
VII. THỜI KÌ TỪ 2014 - ĐẾN NAY
Đây là giai đoạn nhà trường có nhiều sự đổi thay, năm học 2014 - 2015 theo sự chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Bảo, trường THCS Tiền Phong được sát nhập với trường THCS Vĩnh Phong và giờ đây trường lại tự hào mang tên: Trường THCS Tiền Phong - Vĩnh Phong. Cái tên đã khẳng định thêm niềm tin, sức sống mãnh liệt của một mái trường nhiều hứa hẹn trong lòng mọi người và bao thế hệ thầy cô, học sinh.
Trong những năm đầu sát nhập quy mô trường lớp được mở rộng hơn, lúc này trường có 10 lớp với hơn 400 học sinh và 35 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong đó cô giáo Dương Thị Hướng làm Bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường và phó hiệu trưởng là thầy Bùi Đức Tuyên và cô Nguyễn Thị Thanh Mai. Trong những năm đầu sát nhập, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn do học sinh của 2 xã vẫn học ở hai điểm trường (cơ sở 1 học tại xã Tiền Phong, cơ sở 2 học tại xã Vĩnh Phong) nhưng được sự quan tâm chỉ đạo, sát sao của Huyện uỷ, UBND huyện, Phòng GD & ĐT huyện, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân hai xã, do đó cơ sở vật chất của trường không ngừng được hoàn thiện, mái trường thân yêu đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Khuôn viên nhà trường rộng thoáng, xanh đẹp, các phòng học nhà trường đều được trang bị máy tính, các phòng học chức năng đều được tu bổ cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy và học. Hoạt động chuyên môn nhà trường sôi nổi, các thầy cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy chất lượng nhà trường luôn đứng tốp đầu trong toàn huyện. Đặc biệt trường liên tục đăng ký các chuyên đề cấp huyện cấp thành phố, phong trào nhà trường sôi nổi mạnh mẽ.
Đến năm học 2015 – 2016, cô giáo Dương Thị Hướng được cấp trên cho nghỉ hưu theo chế độ, thầy Bùi Đức Tuyên – phó hiệu trưởng nhà trường lên làm Bí thư chi bộ – hiệu trưởng nhà trường, còn phó hiệu trưởng vẫn là cô Nguyễn Thị Thanh Mai. Số lượng học sinh của trường tăng lên 500 em với 14 lớp học. Trong những ngày công tác tại mái trường thân thương này biết bao thầy cô giáo đã chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Nhiều thầy cô giáo đã từ mái trường này về nghỉ hưu, chuyển công tác, hay có những thầy cô đã đi về cõi vĩnh hằng, nhiều thầy cô giáo mới lại về trường tiếp tục dốc lòng cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người.
Trong những năm gần đây nhà trường ổn định về quy mô giáo dục, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất và đã đạt được nhiều thành tích trên tất cả các phương diện: 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ, nhiều giáo viên đạt danh hiệu GVG cấp huyện, cấp thành phố. Năm học 2019 - 2020 trường đã có 15 lớp với tổng số 605 học sinh, có 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường đã có một cơ ngơi khang trang bề thế với 03 dãy phòng học cao tầng với 15 phòng học đạt chuẩn, 04 phòng chức năng, 03 phòng công vụ, sân vận động đạt chuẩn, khuôn viên nhà trường rộng rãi thoáng mát sạch đẹp. Các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học tiếp tục được đầu tư và hiện đại hóa. Các thế hệ thầy, cô giáo nối tiếp nhau, kiên trì, nhẫn nại như mạch nguồn phù sa vun đắp cho trường ngày một lớn mạnh. Giờ đây thầy và trò ra sức phấn đấu xây dựng một vườn ươm giáo dục nở hoa kết trái, làm nên những hạt giống đỏ xây đời, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.
*Về thành tích những năm gần đây:
Chi bộ: Liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.
Nhà trường: Hằng năm đều đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, nhiều năm đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, Nhà trường được UBND huyện, UBND thành phố, Bộ GD tặng bằng khen.
Công đoàn nhà trường: Được tặng giấy khen của BCH công đoàn giáo dục Hải Phòng về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt năm 2011 – 2012, năm học 2012 – 2013. Năm học 2015 – 2016, 2016 – 2017 nhà trường được liên đoàn lao động huyện Vĩnh Bảo liên tục tặng bằng khen, giấy khen về phong trào thi đua dạy học, xây dựng công đoàn vững mạnh. Năm học 2017 – 2018 công đoàn được tặng bằng khen của BCH liên đoàn lao động thành phố Hải phòng do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng công đoàn vững mạnh. Công đoàn tích cực tham gia các hoạt động do công đoàn huyện, công đoàn ngành tổ chức và đạt kết quả cao.
Đội thiếu niên: Được tặng giấy khen của Huyện Đoàn Vĩnh Bảo, bằng khen của Thành đoàn và của Trung ương Đoàn. Liên đội đã nhiều năm liền đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, nhiều năm đăng kí làm chuyên đề điểm cấp thành phố và được Thành đoàn tặng bằng khen.
Về học sinh: Hàng năm học sinh xếp loại đạo đức khá, tốt đạt trên 80%, xếp loại văn hóa khá, giỏi 70% trở lên. Chất lượng đại trà liên tục đứng vị trí tốp đầu trong huyện. Trong các kỳ thi vào THPT trường luôn đứng thứ nhất trong toàn cụm, nhiều năm liền trường luôn có học sinh đạt thủ khoa, á khoa đỗ vào THPT Cộng Hiền. Đặc biệt là chất lượng mũi nhọn những năm gần đây nhà trường đạt nhiều thành tích rực rỡ: Năm học 2010 - 2011 nhà trường đạt 24 giải cấp huyện 04 giải cấp thành phố. Năm học 2011 - 2012 đạt 75 giải cấp huyện. Năm học 2012 - 2013 số giải học sinh cấp thành phố là 06 giải trong đó có 01 giải nhì, 01 giải ba và 04 khuyến khích, số lượng học sinh giỏi cấp huyện được tăng lên 88 giải trong đó số giải nhất, nhì cũng tăng lên. Năm học 2014 - 2015 số lượng học sinh giỏi cấp huyện tăng lên đáng kể, đã có 102 giải cấp huyện và 03 giải cấp thành phố. Năm học 2016 - 2017 số lượng học sinh giỏi cấp huyện của nhà trường đứng thứ 2 trong toàn huyện (sau trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm) với tổng số 142 giải và 05 giải học sinh giỏi cấp thành phố. Năm học 2017 - 2018 nhà trường vẫn đứng ở vị trí tốp đầu với 94 giải học sinh giỏi cấp huyện và 10 giải cấp thành phố. Năm học 2018 - 2019 chất lượng mũi nhọn của nhà trường vẫn tiếp tục được giữ vững với 97 giải cấp huyện, 6 giải cấp thành phố trong đó có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và trường vẫn đứng thứ 2 trong trong toàn huyện (sau trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, với sự đầu tư của thành phố, sự quan tâm, sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện Vĩnh Bảo, Phòng giáo dục Đào tạo huyện, của cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân hai xã, cùng với sự nỗ lực của các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên, học sinh, phụ huynh, đến nay trường THCS Tiền Phong - Vĩnh Phong đã trở thành một địa chỉ giáo dục đáng tin cậy góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương đất nước nơi cực Nam của thành phố Hải Phòng.
*Thành quả ngày hôm nay
-Về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học:
Ngôi trường những ngày đầu thành lập : phòng học tranh tre, tường đất cơ sở vật chất thiếu thốn.
Ngôi trường ngày nay: cơ sở vật chất đầy đủ với 15 phòng học kiên cố, có đầy đủ ánh sáng, quạt mát, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh học đường, 2 phòng học thực hành, 1 thư viện, 1 phòng học vi tính, có 50 máy tính phục vụ cho việc khai thác tài liệu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, phòng y tế, sân vận động khu hiệu bộ mới. Sự kết hợp hài hòa khuôn viên trong và ngoài cổng trường đã tạo lên một diện mạo mới, ấn tượng tốt đẹp cho ngôi trường. Nhà trường thực sự là một trường học “thân thiện” một “công viên” có tính thẩm mĩ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học của thầy trò trường THCS Tiền Phong – Vĩnh Phong.
- Quy mô giáo dục:
Ngôi trường những ngày đầu thành lập : có 1 lớp trên 30 học sinh và 1 thầy giáo vừa làm nhiệm vụ quản lý vừa giảng dạy
Ngôi trường ngày nay: có 15 lớp với 605 học sinh, 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 2 đồng chí trong Ban giám hiệu, chi bộ có 26 đảng viên, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn.
- Qua 60 năm xây dựng và trưởng thành:
Trường đã trải qua 13 thế hệ lãnh đạo
Giáo viên: trường có trên 200 giáo viên,công nhân viên đã và đang công tác tại trường, các thế hệ nhà giáo của trường đã tận tâm tận lực vì học sinh thân yêu, nhiều thầy cô đã đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp thành phố, chiến sỹ thi đua, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của ngành, luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, nhà nước và là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Tiền Phong – Vĩnh Phong.
Học sinh: từ mái trường THCS Tiền Phong – Vĩnh Phong thân yêu, trên 7000 học sinh đã tốt nghiệp và trưởng thành, trường đã có hàng chục tiến sĩ, hàng trăm thạc sĩ, cử nhân đang công tác trên các lĩnh vực như giáo dục, y tế doanh nghiệp, nhiều học sinh là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương, của các cơ quan xí nghiệp góp phần xây dựng quê hương đất nước.Hàng chục người đang là sĩ quan cao cấp trong các lĩnh vực vũ trang. Có người là cán bộ công tác ở các cơ quan trung ương, thành phố và huyện. Những học sinh tiêu biểu đó là tiến sĩ Phạm Thị Lán, tiến sĩ Ngô Tiến Giang, tiến sĩ Hoàng Minh Thành, tiến sĩ Ngô Gia Việt, tiến sĩ Lê Văn Công, tiến sĩ Vũ Văn Hưng, tiến sĩ Lê Văn Thiệu, tiến sĩ Vũ Thị Yến; kiến trúc sư Ngô Duy Nhương, Nguyễn Mạnh Tường, đại tá Vũ Văn Quế, vụ trưởng Bộ lao động thương binh xã hội Vũ Lâm Thời...Trường còn có nhiều học sinh đạt thủ khoa trong kỳ thi vào đại học như em Bùi Văn Tú, Bùi Văn Dương …và còn có rất nhiều thế hệ học sinh thành đạt khác.
Đặc biệt trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn xã đã có 461 người con vào bộ đội đánh giặc lập công xuất sắc trên khắp các chiến trường, có người được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, và trong số đó đã có 141 người con anh dũng hi sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước làm rạng danh truyền thống nhà trường, truyền thống quê hương.
Với những thành tích qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, trường THCS Tiền Phong – Vĩnh Phong đã được Đảng, Nhà nước và các cấp, các Ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, của Chủ tịch UBND thành phố, của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo, của Huyện đoàn Vĩnh Bảo, của Công đoàn ngành Giáo dục Hải Phòng, của BCH Liên đoàn Lao động Thành phố Hải Phòng cho các tổ chức đoàn thể, cá nhân trong nhà trường
*Nguyên nhân thành công
Thứ nhất: Có được những thành quả trên là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ ,chính quyền địa phương, sự quan tâm của nhân dân đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục đặc biệt là sợ nỗ lực phấn đấu của mỗi học sinh rèn đức luyện tài phấn đấu để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Thứ hai: bằng những hoạt động thực tế của mình qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, trường THCS Tiền Phong – Vĩnh Phong đã xứng đáng là điểm sáng của ngành giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Bảo trong thời kỳ chiến tranh, trong hòa bình và đặc biệt là sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Điểm sáng đó được thể hiện ở việc xây dựng tập thể sư phạm nhà trường luôn là một tập thể đoàn kết, nhất trí cao, có tinh thần tương thân, tương ái, có ý thức trách nhiệm công dân, luôn biết vị trí của mình đứng ở đâu mà phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Điểm sáng đó được thể hiện qua 60 năm với 13 thế hệ lãnh đạo nhà trường tiếp nối, kế thừa, tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp để xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện. Điểm sáng đó còn được thể hiện ở tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chịu khó tìm tòi, áp dụng thành tựu CNTT vào đổi mới phương pháp dạy và học của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường. Điều đó đã làm nên một nhà trường luôn có chất lượng giáo dục ổn định, đúng thực chất và đang trở thành một địa chỉ tin cậy.
Thứ ba: Phải kể đến đó là nhà trường đã xây dựng được một khối đoàn kết nhất trí cao độ, sự gắn bó chặt chẽ giữa các cán bộ, giáo viên, nhân viên, giữa các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường Chi bộ, Ban giám hiệu, Công đoàn, Hội phụ huynh… tất cả đều đồng lòng quyết tâm phấn đấu vì mục tiêu chung của nhà trường là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Trên cơ sở thực hiện tốt quy chế dân chủ trên tất cả các phương diện, áp dụng cho tất cả các đối tượng, với sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nhà trường đã thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong mỗi năm học.
Nhìn lại 60 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, 60 năm ươm mầm vun trồng bao thế hệ mới thấy hết được những thành tựu mà trường THCS Tiền Phong - Vĩnh Phong đạt được không hề nhỏ bé. Sở dĩ có được những bước đi đáng tự hào ấy đầu tiên phải kể đến sự vươn lên không ngừng, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Trong những năm khó khăn cũng như thuận lợi, trong thời chiến cũng như thời bình, thầy trò vẫn cố gắng vươn lên dạy tốt, học tốt. Bao thế hệ học sinh từ mảnh đất nghèo khó nhưng lại giàu truyền thống hiếu học, quyết tâm vươn lên trong học tập để làm chủ đất nước, làm chủ tương lai. Biết bao nhà giáo tận tâm, tận lực cống hiến hết mình, miệt mài bên trang giáo án, say mê, nhiệt huyết trong mỗi giờ lên lớp, thi đua sáng tạo, trăn trở đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục. Các thầy cô luôn đổi mới việc kiểm tra, đánh giá, cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh, đổi mới khâu soạn bài, lên lớp, tăng cường thực hành thí nghiệm, sử dụng phương tiện nghe, nhìn và đồ dùng thiết bị dạy học, giúp học sinh nắm bắt kiến thức bằng trực quan sinh động, vận dụng kiến thức vào thực tế. Việc giáo dục ngoài giờ lên lớp cũng được chú trọng. BGH kết hợp với GVCN tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa với nội dung phong phú hấp dẫn… Các thầy, cô chính là người lái đò chở bao thế hệ qua sông vẫn ngày ngày thầm lặng vun trồng, xây đắp ước mơ cho những học trò thân yêu, tạo cho những bậc cha mẹ học sinh yên tâm gửi gắm con em mình với niềm tin tuyệt đối.
Đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đòi hỏi phải có lớp người trẻ tuổi có tri thức, tài năng, sáng tạo. Đây là một thách thức lớn, đồng thời cũng là vận hội lớn của đất nước, của thành phố, của huyện cũng là vận hội lớn của Ngành, của trường THCS Tiền Phong – Vĩnh Phong trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Nhiệm vụ mà trường THCS Tiền Phong – Vĩnh Phong phải đảm đương trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề, đó là phải làm sao tạo được bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của các nước trên thế giới và khu vực, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của thành phố, của huyện Vĩnh Bảo. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường và toàn thể học sinh phải phát huy những thành tích đã đạt được, tranh thủ mọi sự hỗ trợ cho sự phát triển giáo dục và đào tạo, phát huy tối đa nội lực của bản thân mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh để xây dựng đội ngũ nhà giáo vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức lối sống; nắm vững các chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, có tinh thần trách nhiệm và thực sự tâm huyết với nghề ; có trình độ, năng lực trong quản lý, chỉ đạo, điều hành nhà trường; luôn tự phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ quản lý, ứng dụng những thành tựu của Công nghệ thông tin nhằm phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện, của thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Muốn đạt được điều đó, trước hết đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, học sinh trường THCS Tiền Phong - Vĩnh Phong phải nghiêm túc học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; giúp đỡ nhau xây dựng nền nếp, lối sống ở trường học, ở gia đình và ngoài xã hội; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ quản lý nhà trường… mà trước mắt tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương – Trách nhiệm” gắn kết với việc thực hiện các Chỉ thị của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND thành phố về nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 và cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung để chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” .
Với truyền thống của mình, trường THCS Tiền Phong - Vĩnh Phong sẽ phấn đấu hết mình và phát huy tối đa nội lực, cùng với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và xã hội, nắm bắt thời cơ và vận hội mới để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao phó, luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương và phấn đấu trở thành điểm sáng giáo dục của huyện Vĩnh Bảo, quê hương Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
THÁNG 8/2023
BAN BIÊN TẬP
TRƯỜNG THCS TIỀN PHONG – VĨNH PHONG
|